Đà Lạt sau 1975 Lịch_sử_Đà_Lạt

Giai đoạn 1975 – 1985

Lịch sử Đà Lạt giai đoạn đầu sau 1975 được đánh dấu bởi hàng loạt những thay đổi hành chính. Trong khoảng thời gian ngắn đầu tiên, Đà Lạt vẫn trực thuộc tỉnh Tuyên Đức, nhưng từ 6 tháng 5 năm 1975, thành phố thuộc về khu VI. Ngày 5 tháng 6 năm 1976, khi tỉnh Lâm Đồng được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Tuyên Đức và Lâm Đồng cũ, Đà Lạt trở thành tỉnh lỵ của tỉnh mới.[73] Tháng 2 năm 1979, Đà Lạt được bổ sung thêm phần đất của vùng kinh tế mới Tà In, thuộc Đà Loan, huyện Đức Trọng ngày nay. Ngày 14 tháng 3 cùng năm đó, Hội đồng Chính phủ ra quyết định điều chỉnh địa giới hành chính một số huyện thuộc Lâm Đồng và Đà Lạt được xác định gồm 6 phường và 3 xã Xuân Trường, Xuân Thọ và Tà Nung.[74] Trong những ngày đầu sau chiến tranh, dân số thành phố giảm xuống khi nhiều người phục vụ trong quân đội và bộ máy chính quyền cũ trở về quê quán, thêm vào đó, một phần cư dân Đà Lạt tới định cư trên những vùng đất khác của Lâm Đồng theo chính sách kinh tế mới.[75] Tuy nhiên, dân số Đà Lạt sau đó được bổ sung bởi chính sách tăng cường cán bộ từ miền Bắcmiền Trung cùng với việc mở rộng địa giới hành chính. Đến năm 1982, dân số Đà Lạt vượt ngưỡng 100 ngàn người.[76]

Trong những năm từ 1976 đến 1980, nhiều cơ quan văn hóa, giáo dục và nghiên cứu được thành lập, phần lớn dựa trên những cơ sở đã có từ thời Việt Nam Cộng hòa. Năm 1976, Trường Đại học Đà LạtTrường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt ra đời, kế thừa Viện Đại học Đà Lạt và Trường Trung học Yersin. Trước đó, Học viện Quân sự được chuyển từ Hà Nội vào Đà Lạt, tiếp nhận 5 cơ sở của chính quyền cũ.[77] Năm 1978, Bảo tàng Lâm Đồng mở cửa với bộ sưu tập về dân tộc học của Bảo tàng sắc tộc Tây Nguyên trước kia và một số cá nhân.[78] Cũng năm 1978, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học tại Đà Lạt, ngày nay là Viện Sinh học Tây Nguyên, được thành lập với trụ sở vốn là một tu viện Dòng Chúa Cứu Thế.[60] Giống như nhiều địa phương khác vào thời kỳ đầu sau chiến tranh, Đà Lạt phải đối mặt với những khó khăn về lương thực và thực phẩm, khiến việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng ít được coi trọng. Do không được cải tạo sửa chữa, các đường giao thông nội thị và hệ thống giao thông đường bộ xuống cấp trầm trọng.[79] Việc mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp khiến cho các hồ bị bồi lấp nhanh chóng và khai thác rừng cũng làm cho khí hậu và cảnh quan ngày một xấu đi. Nghiêm trọng hơn, nguồn nước của hai nhà máy thủy điện Đa NhimTrị An ngày càng thiếu hụt vào mùa khô.[80] Những năm cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980, khi nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, đô thị du lịch Đà Lạt cũng bước vào một thời kỳ trầm lắng. Thành phố khi đó thỉnh thoảng mới có một đoàn khách ghé thăm.[81]

Giai đoạn từ 1986 đến ngày nay

Quang cảnh Đà Lạt ngày nay, một thành phố gần 400 km² với dân số hơn 200 ngàn người.

Kể từ cuối thập niên 1980, cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, lịch sử Đà Lạt cũng bước vào một giai đoạn mới. Ngày 6 tháng 6 năm 1986, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định điều chỉnh địa giới hành chính: Đà Lạt gồm 12 phường và 3 xã Xuân Thọ, Xuân Trường và Tà Nung.[82] Năm 1994, Chính phủ phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2010, xác định Đà Lạt là một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng của Việt Nam.[83] Ngày 24 tháng 7 năm 1999, thành phố được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại II.[82] Trong thập niên 1990, dân số Đà Lạt tăng lên mạnh mẽ, từ 120 ngàn người năm 1990 lên 160 ngàn người năm 1999.[76] Cũng trong giai đoạn này, làn sóng du khách tìm đến thành phố ngày một đông khiến một hệ thống nhà hàng, khách sạn mới ra đời.[84] Kiến trúc Đà Lạt cũng có thêm những công trình mới, đặc biệt trong số đó có thể kể đến biệt thự Hằng NgaThiền viện Trúc Lâm, ngày nay đã trở thành hai địa điểm du lịch hấp dẫn.[85][86]

Trong những năm của thập niên 2000, cơ sở hạ tầng đô thị của Đà Lạt tiếp tục được hoàn thiện. Ngày 7 tháng 5 năm 2002, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Đề án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2020.[87] Giao thông Đà Lạt cũng có những thay đổi đáng kể trong thời kỳ này. Nhờ tỉnh lộ 723 hoàn thành năm 2007, hành trình giữa hai thành phố du lịch nổi tiếng Đà Lạt và Nha Trang chỉ còn 130 km, so với lộ trình cũ Đà Lạt – Phan Rang – Nha Trang dài 228 km.[88] Năm 2008, sau 4 năm thi công, đoạn đường cao tốc Liên Khương – Prenn được khánh thành giúp giao thông từ Đà Lạt tới sân bay Liên Khương thuận tiện hơn trước.[89] Nhà ga mới của sân bay cũng hoàn thành vào năm 2009 và bắt đầu khai thác các đường bay quốc tế. Trước đó, vào năm 2004, đường bay Hà Nội – Đà Lạt đã được mở lại sau nhiều thập kỷ gián đoạn.[90]

Du lịch Đà Lạt trong những năm 2000 ghi dấu bởi những lễ hội và các Festival Hoa bắt đầu được tổ chức. Lượng du khách tìm đến thành phố tăng từ 710 ngàn lượt khách năm 2000 lên 2,1 triệu lượt khách năm 2009.[91][92] Thành phố cũng có thêm những bệnh viện và trường học mới, như Đại học Dân lập Yersin Đà Lạt thành lập năm 2004, Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt bắt đầu hoạt động năm 2008 và Bệnh viện Nhi Đà Lạt khởi công xây dựng năm 2010. Nhưng sự bùng nổ về dân số và cơn lốc đô thị hóa đã khiến cảnh quan Đà Lạt mất đi nét hoang sơ vốn có.[93] Nhiều di sản kiến trúc của thành phố bị xâm hại và không ít những thắng cảnh trở nên hoang tàn bởi tác động của bàn tay con người.[94] Năm 2008, Đà Lạt trở thành một thành phố hơn 200 ngàn dân.[95] Ngày 6 tháng 3 năm 2009, địa giới hành chính thành phố được điều chỉnh lại: Đà Lạt gồm 12 phường và bốn xã Xuân Thọ, Xuân Trường, Tà NungTrạm Hành.[96] Ngày 23 tháng 3 cùng năm 2009, Đà Lạt được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Lâm Đồng.[97]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_Đà_Lạt http://web.archive.org/web/20070205140731/http://w... http://baolamdong.vn/xahoi/201010/da-Lat-lam-gi-de... http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinh... http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200913/2009... http://www.thanhnien.com.vn/news1/pages/20100221/t... http://www.lamdong.gov.vn/ http://www.lamdong.gov.vn/vi-VN/congdan/thong-tin-... http://kienthuc.net.vn/dien-dan/tinh-chuyen-thay-a... https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Histor...